Apr 1, 2013

Tổng kết 20 năm hoạt động (16/09/1992 - 28/12/2012)

Bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 20 năm hoạt động của tổ Hán Nôm Lạc Đạo, câu lạc bộ thơ Hán Việt Pháp


Chúng ta đã tổng kết 5 năm, 10 năm và 15 năm; ngày nay qua 20 năm sinh hoạt, chúng ta có thể nêu lên mấy vấn đề để cùng nhau bàn bạc:

Từ ngày 16 tháng 09 năm 1992, với 7 người, ngày đầu thành lập, nhóm những người yêu thơ Hán Nôm đã xác định mục tiêu: Tìm hiểu, học tập thơ văn Hán Nôm, từng bước tập viết, phiên âm, dịch nghĩa, nhằm sử dụng được tư liệu Hán Nôm của gia đình, dòng họ, quê hương. Sau là tập làm thơ, câu đối Hán Nôm nhằm ca ngợi thiên nhiên, đất nước, con người; Đồng thời cũng để bộc bạch tâm sự qua những vần thơ, vế đối.

Tới giờ, chúng ta có thể nói: hoạt động văn hóa Hán Nôm gồm 7 phần:


1. Chữ Hán
2. Chữ Nôm
3. Các luật thơ, câu đối, từ, phú (xin được tạm gọi là Thi pháp)
4. Các chữ kiểu chân, thảo, lệ, triện… (xin được tạm gọi là Thư pháp).

Bốn phần này, một người hoạt động Hán Nôm cần phải hội đủ, ít ra cũng ở một mức độ nào đó (không biết thi pháp thì dịch hoặc hiệu đính thơ sai, không đọc được các kiểu chữ thì không thể tra từ điển và phiên dịch được). 

Thời đại tin học, vi tính, ta phải thêm vào phần thứ 5 là:
5. Tin học, vi tính Hán Nôm: Giúp ta soạn thảo văn bản thay cho viết và đánh máy chữ trước đây, nhất là để tra cứu, tìm hiểu được những kiến thức đông tây, kim cổ.

Cả 5 phần học hỏi đã khá, ta còn cần phổ biến rộng rãi, gần như là mở lớp để truyền thụ lại cho những người chưa biết nhưng yêu quý chữ Hán Nôm của tổ tiên, như vậy ta thêm vào đó phần thứ 6 là:

6. Truyền thụ văn hóa Hán Nôm (xin tạm gọi là Văn hóa).
Tiếp theo, ta nên cố gắng phiên dịch thơ văn Hán Nôm của Việt Nam ra quốc âm, chữ nước ngoài (Anh, Pháp, v.v…) để những người Việt Nam, kể cả người nước ngoài không biết chữ Hán Nôm tiếp cận được những di sản văn tự, văn hóa (tôi coi đây là một trong những phần quan trọng nhất) Việt Nam, như vy ta thêm phần thứ 7 là:


7. Phiên dịch thơ văn Hán Nôm ra quốc ngữ, chữ Pháp, chữ Anh, v.v…

Cả 7 phần trên, về nhận thức và tổ chức của Tổ Hán Nôm Lạc Đạo được dần dần phát triển: 

- Thành lập tổ Thư pháp từ năm 1995, đến tháng 10/2002 do bác Thế Anh làm tổ trưởng, hiện bác Thế Lục thay; 
- Thành lập nhóm Dịch thơ chữ Hán từ tháng 09/2002, sau đổi là tổ Hán Việt (tức tổ Hán Nôm Lạc Đạo); tháng 09/2004 bác Giao làm tổ trưởng, hiện nay bác Long thay, có bác Liên, sau thêm bác Khoan làm hướng dẫn. 
- Thành lập tổ Hán Pháp tháng 04/2003 có 19 người, tháng 08/2004 bác Ba làm tổ trưởng, hiện nay bác Chân thay. 
- Thành lập tổ Vi tính tháng 06/2010, bác Hào làm tổ trưởng, bác Hiển làm tổ phó. 

Tên gọi qua nhiều lần thay đổi 

- Từ tháng 16/09/1992, với 7 người thành lập, đặt tên là Nhóm yêu thơ Hán Nôm
- Tháng 08/1995, gọi là Tổ thơ Hán Nôm (sau gọi là Tổ thơ Hán Nôm Hà Nội); 
- Ngày 08/04/2005 chuyển thành Câu lạc bộ thơ Hán Việt Pháp (thuộc hội Cựu giáo chức Việt Nam) do gợi ý của bác Trần Thân Mộc (tham gia tổ thơ tháng 12/1999) với hy vọng hai việc: 

1. Thêm nhiều thầy, nhiều bạn giỏi chữ Hán Nôm, Pháp, Anh, … 
2. Ấn hành được nhiều tập thơ Hán sáng tác và thơ dịch từ Hán ra Việt, Pháp, Anh, … 

Nhưng 7 năm qua, ước nguyện chưa thành, hội viên là nhà giáo gia nhập chưa đến 10 người và sách xuất bản cũng không phát hành được. Ta cần xem lại việc vận động của câu lạc bộ. 

Nơi họp cũng có thay đổi 

Suốt 20 năm sinh hoạt, các tổ đều họp ở nhà bác Đỗ Quang Liên, nhưng từ tháng 06/2009, tổ Hán Nôm ra họp ở chùa Cảm Ứng, với ý nghĩ:
1. Chùa có thể là trụ sở lâu dài cho tổ Hán Nôm (không như ở nhà các hội viên) 
2. Tổ Hán Nôm có thể phát triển thêm hội viên là Thích tử và Phật tử, vì đạo Phật gắn liền với Kinh, Kệ chữ Hán Nôm. 
3. Mời được nhà sư trụ trì tham gia ban lãnh đạo tổ và có thể mở lớp để phổ biến chữ Hán Nôm được rộng rãi hơn. 

Nhưng 3 năm qua, yêu cầu chưa đạt, hội viên chưa thêm được Thích tử, Phật tử nào. Có thể việc vận động của CLB chưa tốt hoặc Phật giáo thời mạt pháp, giai đoạn mở cửa, kinh tế thị trường chưa có điều kiện quan tâm. 

Sinh hoạt của Tổ cũng có những biến đổi 

- Tổ Hán Nôm: họp mỗi tháng một kỳ, vào sáng thứ Hai lần thứ hai trong tháng;  
- Tổ Hán Pháp: họp mỗi tháng một kỳ, vào sáng thứ Ba lần thứ ba trong tháng; 
- Tổ Hán Việt: trước họp tháng một kỳ; từ tháng 09/2011 họp tháng hai kỳ vào sáng thứ Hai lần đầu tiên và lần thứ tư trong tháng;
- Tổ Thư pháp gần đây chỉ nhóm họp những khi sắp cần trưng bày các biểu chữ viết;
- Tổ vi tính từ khi thành lập vào tháng 06/2010, họp sáng thứ Sáu hàng tháng tại nhà bác Vũ Ngọc Giao, sau khi các tổ viên đã nắm được cách làm thì chỉ nhóm họp khi cần thiết. Qua hơn 2 năm đã có nhiều tổ viên thông thạo và thường chủ dộng trao đổi với nhau;
- Đã tổ chức thêm tổ Hán Việt A: hướng dẫn cho những người mới học và viết chữ Hán từ 25/10/2012 vào các buổi chiều thứ Năm do bác Liên phụ trách (bước đầu có 6 người). 

Nội dung hoạt động

1. Tổ lõi Hán Nôm:

Gồm các tổ viên đã ít nhiều biết chữ Hán, chữ Nôm, thi pháp, thư pháp và vi tính. Nhưng do tuổi cao, sức yếu, còn dành thì giờ cho những đam mê khác, nên qua nhiều năm, thực tế chưa tiến bộ bao nhiêu. Nhiều người quá nặng nề về sáng tác thơ văn chữ Hán. Dù vốn sống rất phong phú, ý từ dồi dào, nhưng vốn từ chưa đủ, ý nghĩa từng từ đặt vào văn cảnh khác nhau hiểu không cặn kẽ, thì khi viết lên 2 câu thực - luận của bài bát cú hoặc những cặp biền ngẫu trong bài phú sẽ rất khiên cưỡng, xộc xệch, mắc phải sai sót “dĩ từ hại ý”. Kể ra, nên bắt chước người xưa “thi thiên, phú bách” đọc và dịch nhiều thơ, văn của cổ nhân để bồi dưỡng kiến thức cho đủ tầm tối thiểu.

Những năm qua, ta đã phiên dịch chữ Nôm, dịch thơ văn chữ Hán được khá, đã hình thành Tủ sách cổ truyền song ngữ Hán, Nôm - Việt đối chiếu, đã phiên dịch hơn 1000 bài thơ tứ tuyệt chữ Hán nhằm phục vụ dài hơi cho tổ Hán Pháp chuyển dịch ra ngoại ngữ. Tuy vậy, số thời gian các tổ viên dành cho việc dịch thơ văn Trung Quốc khá nhiều, có thể do yêu cầu của các Nhà xuất bản hoặc sở thích cá nhân. Nhưng so với mục đích của câu lạc bộ là học tập và phổ biến văn hóa Hán Nôm Việt Nam, ta có thể coi là chưa đúng hướng. Nhiều tập thơ Đường được quá nhiều người Việt Nam dịch đi dịch lại, in đi in lại, trong khi nhiều thơ văn của tổ tiên thì chưa thấy ai dịch và Nhà xuất bản nào phát hành.

Nên chăng, chúng ta nên có suy nghĩ về vấn đề này!

2. Tổ Thư pháp:

Còn ít nhiều người mang nặng tính ăn xổi, nhìn vào từng mẫu chữ Thảo để vẽ chữ. Để viết được chữ đúng và đẹp, đầu tiên cần học kỹ lưỡng từng nét, từng bộ, từng chữ cấu thành chữ đó, hiểu được nghĩa chữ và phải tập viết phóng, viết buông thuần thục thể chữ Chân, cái gốc cho các thể chữ Hành, Thảo, … Ta đã tập hợp được các tư liệu: cách tập viết chữ Hán, bản Lan đình tự chữ chân, bản Đằng vương các tự chữ Hành, 71 bài Thiên gia thi chữ Thảo, Thảo quyết ca, Tam tự kinh và Thiên tự văn tứ thể Chân - Thảo - Lệ - Triện và các câu, chữ viết đầu xuân, v.v… gần như một giáo trình về thư pháp, tiếc rằng chưa triển khai được, do người ít tuổi đam mê thư pháp trong CLB không nhiều.

3. Tổ Hán Việt:

Qua nhiều năm còn nhập nhằng giữa việc trao đổi, dịch thơ với việc học tập chữ Hán, mỗi tháng chỉ sinh hoạt 1 kỳ, nên trình độ nhích lên rất chậm. Hiện giờ đã sửa lại, nâng lên thành 2 kỳ và có chương trình học chữ, học viết, học luật thơ rõ ràng. Đã thành lập thêm Tổ Hán Việt A học mỗi tuần 1 buổi cho người mới học, hy vọng việc học chữ Hán sẽ toàn diện hơn.

4. Tổ Hán Pháp:

Gồm nhiều người (hiện nay đông nhất, gần 20 thành viên) biết tiếng Pháp, tiếng Anh, cả tiếng Nga, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Đức, v.v… Tuy nhiên về chữ Hán chưa chắc. Để dịch được bài thơ chữ Hán ra các chữ khác, đầu tiên cần hiểu đầy đủ nội dung, tình ý của bài, trong phần này tổ có làm, nhưng chưa thật kỹ, tổ viên có trao đổi nhưng chưa thật sâu, nên khi dịch ra tiếng Việt, Pháp, Anh có những chỗ chưa đúng. Để đạt được “Suy minh tác giả tâm” (nói lên được tâm hồn tác giả) như Phan Huy Chú đã viết, tổ ta còn phải phấn đấu nhiều. Và để dịch được thơ chữ Hán ra tiếng nước ngoài, người dịch cần có vốn ngôn ngữ và văn hóa nước đó ở mức độ nhất định. Vốn ấy, CLB chúng ta chưa đều. Có thể ta chỉ nên dịch ra như văn xuôi hoặc ghép thêm cho có vần, chứ gò cho đủ chân, đúng luật thì đôi khi là khiên cưỡng và quá sức, mặc dầu CLB ta trước đây đã cùng nhau trao đổi về “phép làm thơ Pháp văn” và sau này có tham khảo tài liệu “giới thiệu thơ ca Pháp”.

Ta đã ấn hành 3 tập thơ: Thăng Long thành, 35 bài thơ chữ Hán của Bác Hồ (ngoài Nhật ký trong tù), và 60 bài thơ tứ tuyệt chữ Hán của danh nhân Việt Nam; gần đây ấn hành tập thơ 40 bài chữ Hán dịch ra tiếng Việt và Pháp, tập thơ này chọn mỗi bài thơ chữ Hán kèm nhiều bài dịch của tổ viên. Mục đích của ta là tranh thủ giới thiệu được nhiều tư liệu Hán Nôm của tổ tiên với hy vọng bạn đọc sẽ đọc kỹ hơn các văn bản và dịch lại tốt hơn ra các ngữ khác

Ta đã dịch được đến 180 bài. mà chỉ giới thiệu được chưa đến 1/4 là chưa thích đáng. 

5. Tổ Vi tính: 

Tuy mới thành lập, tổ viên nhiều người cao tuổi, mắt yếu, nhưng hoạt động khá sôi nổi, đã giới thiệu CLB lên mạng internet, vào trang Thi viện, nhiều tổ viên đã đưa rất nhiều bài dịch với nhiều thứ tiếng: Hán, Việt, Pháp, Anh, Nga, … mở nhiều chuyên mục. Nhưng kiểm điểm với mục đích xác định của CLB thơ Hán Việt Pháp là học tập và phiên dịch thơ văn Hán Nôm Việt Nam ra tiếng Việt, Pháp, Anh, thì thấy việc đưa các bài dịch lên trang thơ của CLB còn đang lẫn lộn. Phiên dịch thơ văn các ngữ khác và đưa tác phẩm lên mạng là sở thích của từng người, nhưng đưa vào trang thơ của CLB ta, nên đảm bảo đúng mục đích đã xác định.

6. Về Thi pháp: 

Ta không thành lập tổ, chỉ đưa ra xen kẽ giới thiệu trong các buổi sinh hoạt. Ta đã sưu tầm, phiên dịch được 10 bài Ca trù chữ Hán, chọn dịch trên 10 bài Từ, các bài theo thể thơ: Đối Hán thi Nôm liên hành, thi ca liên hành, thể liên vận 2 câu bằng trắc có vần lưng, thể liên vận đối, v.v… và cả văn sách thi đình. Nhiều thể loại thơ giáng bút ở các Thiện đàn (ta nên chăng tổng hợp, nghiên cứu và đánh giá đúng mức tác dụng giáo dục và vận động quần chúng của mảng văn thơ này).

Tuy thế, việc trao đổi, bàn bạc còn rất hạn chế, hầu như nhiều người chỉ quen làm thể Thất ngôn bát cú Đường luật với những câu thực, luận, đối chưa chặt, còn phạm nhiều khuyết điểm kỹ xảo như: bình đầu, tịnh cước, phong yêu, …  

Là một tổ, lúc đầu thành lập chỉ có 7 người, khi đông nhất có đến 80 người (kể cả hội viên qua thư ở các tỉnh bạn); qua 20 năm hoạt động, 34 người đã mất, 22 người già yếu không đến dự được, thực tế còn trên 40 người sinh hoạt, thì trong đó chỉ có dưới 10 người là dưới 70 tuổi. CLB duy trì và phát triển sao đây? 

Thế mà Tổ Hán Nôm Lạc Đạo vẫn ngày đêm hy vọng làm một mảy manh nha cho một tổ chức sau này: Hội Hán Nôm Việt Nam. Ta có Hội Lịch sử, Hôi Khảo cổ học, Hội Dân tộc học, Hội Di sản văn hóa, Hội Kiều học, hội thơ các kiểu, … Ngay tại nước Mỹ, hội Bảo tồn di sản chữ Nôm đã được thành lập năm 1999 (sau tổ Hán Nôm 7 năm). 

Nếu các vị thức giả, các vị có uy tín đồng tâm – đồng ý – đồng chí - đồng tình, thì Hội Hán Nôm Việt Nam nhất định sẽ được thành lập.  

Viết xong ngày 06/11/2012 
Đỗ Quang Liên
Tổ trưởng tổ Hán Nôm Lạc Đạo


No comments:

Post a Comment