Jun 29, 2013

Kiến giải



Tác giả Trần Tung (Tuệ Trung thượng sĩ 1230-1291) 陳嵩慧忠上士 
見解
見解呈見解
自揘作怪
揘目作怪了
明明常自在

Kiến giải trình kiến giải 
Tự niết mục tác quái 
Niết mục tác quái liễu 
Minh minh thường tự tại.

Dịch nghĩa: 
Kiến giải
Trình bày rõ ràng những điều trông thấy, 
Là tự mình ấn tay vào mắt, làm cho mắt nhìn thành kỳ quái. 
Ấn tay vào mắt làm chuyện kỳ quái xong, 
Sự sáng suốt lại trở lại trường tồn tự tại.

Dịch thơ: 
Kiến giải bày kiến giải, 
Như dụi mắt làm quái;
Dụi mắt làm quái rồi, 
Sáng sủa thường tự tại. 
                        Đồ Nam Tử 

II
Nói rõ những điều đã trông, 
Dụi tay vào mắt là không thấy gì; 
Bỏ tay đã dụi mắt đi, 
Sáng sủa tự tại ấy khi trường tồn. 
                                                 Đỗ Quang Liên


Chú thích: 
Trần Tung, con trai Trần Liễu, anh ruột Trần Quốc Tuấn, được phong Hưng Ninh Vương, có công trong 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. 
Ông tu Phật nhưng không xuất gia. Sáng tác của ông được tập hợp trong Thưng trung ngữ lục gồm 3 phần. 
- “Thấy” là một trong lục thức do lục căn tiếp xúc với lục trần mà ra. Thấy hiện tượng là thấy giả, nhìn sâu vào được thực thể vũ trụ mới là thấy thật, lúc đó con người sẽ sáng suốt và giác ngộ.



Jun 28, 2013

Sơn thị tình lam

Tác giả: Phạm Đình Hổ


范廷琥

山市晴嵐
朝來山市作晴嵐
廛肆參差傍翠嵒
理到恰來誰是幻
樓臺光景好同參


Triêu lai sơn thị tác tình lam 
Triền tứ sâm si bàng thuý nham 
Lý đáo cáp lai thùy thị ảo 
Lâu đài quang cảnh hảo đồng tham

Dịch nghĩa: 
Chợ núi dứt khói lam
Sáng ra, chợ núi dứt khói lam, 
Hàng quán lô nhô bên sườn núi biếc; 
Lẽ nên xem lại đâu là cảnh hư ảo, 
Lâu đài quang cảnh khéo tôn vẻ đẹp cho nhau.

Dịch thơ: Đỗ Quang Liên 

Chợ núi ban mai lẩn khói lam, 
Lô nhô hàng quán dựa sườn non; 
Lẽ nên xem đó chân hay ảo, 
Quang cảnh – lâu đài thật mỹ quan. 

II 
Chợ núi vừa dứt khói lam, 
Sườn non quán xá chen hàng lô nhô, 
Nhìn ra ngỡ vẫn trong mơ, 
Lâu đài quang cảnh – thẫn thờ thi nhân.


Jun 27, 2013

75. Nhị nguyệt sơ tứ nhật dạ mộng kiến tiên tỷ

Tác giả: Phạm Đình Hổ 范廷琥 
二月初四日夜夢見先妣
二十四年不孝子
未能述事矧揚名
夜來約略來庭夢 
佔筆低徊寫不成

Nhị thập tứ niên bất hiếu tử
Vị năng thuật sự thẩn dương danh
Dạ lai ước lược Lai Đình mộng
Chiếm bút đê hồi tả bất thành

Dịch nghĩa: 
Ngày mồng bốn tháng hai, đêm mơ thấy người mẹ đã quá cố 
Hai mươi bốn năm làm đứa con bất hiếu 
Chưa biết noi theo việc trước để nêu danh 
Đêm đến thoáng thấy giấc mộng Lai Đình 
Cầm bút bồi hồi mãi không viết nổi.

Dịch thơ: Đỗ Quang Liên
Hăm bốn năm trời, con bất hiếu 
Chưa noi gương nước đặng nêu danh. 
Đêm về, giấc mộng sân Lai tỉnh, 
Cầm bút bâng khuâng viết chẳng thành. 

II 
Bao năm bất hiếu cam đành, 
Chưa noi gương trước nêu danh với đời; 
Sân Lai giấc mộng đầy vơi, 
Viết gì! Cầm bút bồi hồi bâng khuâng!


Jun 26, 2013

Chí tâm hồi hướng



Tác giả Trần Cảnh 陳煚 
志心迴向
我等回心歸聖眾
慇懃頭地禮慈尊
願將功德及群生
憑此勝因成正覺

Ngã đẳng hồi tâm quy thánh chúng 
Ân cần đầu địa lễ từ tôn 
Nguyện tương công đức cập quần sinh 
Bằng thử thắng nhân thành chính giác

Dịch nghĩa: 
Dốc lòng hồi hướng 
Chúng tôi hồi tâm quay về với các thánh, 
Rập đầu khẩn khoản kính lễ đức Từ Tôn; 
Mong đem công đức đến với chúng sinh, 
Nhờ nhân tốt này mà trở thánh Chính giác.

Dịch thơ: 
Chúng tôi dốc chí theo chư Phật, 
Kính lễ Từ Tôn hết tấc thành; 
Công đức muôn loài nguyền tưới khắp, 
Tu nên Chính Giác dựa nhân lành. 
                            Đỗ Văn Hỷ - Băng Thanh 

II 
Quay về chư Phật – dốc lòng, 
Rập đầu cầu khấn Từ Tôn độ trì; 
Đem công đức đến muôn loài, 
Tu nên chính giác, dựa nay nhân lành. 
                                                      Đỗ Quang Liên 


Chú thích: 
Từ Tôn: Từ bi, cao cả, tức là Phật. 
Chính giác: sự giác ngộ hoàn toàn, hiểu hết được tất cả, do vậy, Chính Giác cũng là một hiệu của Phật Thích Ca, cũng gọi là Chính Biến Giác, nguyên tiếng Phạn.


Jun 25, 2013

Chí tâm tùy hỷ



Tác giả Trần Cảnh 陳煚 
心隨喜
我今隨佛生歡喜
昏曉虔誠懴因
十地階棲願早登
菩提眞心無退轉

Ngã kim tùy Phật sinh hoan hỉ 
Hôn hiểu kiền thành lễ sám nhân 
Thập địa giai thê nguyện tảo đăng 
Bồ đề chân tâm vô thoái chuyển

Dịch nghĩa: 
Dốc lòng tùy hỷ 
Ta nay theo Phật sinh lòng vui mừng, 
Sớm hôm thành kính sám hối nguyên nhân của lỗi lầm; 
Mong sớm được lên thang Thập địa, 
Không xa rời chân tâm Bồ đề.

Dịch thơ: 
I
Ta nay theo Phật lòng hoan hỷ, 
Thành kính hôm mai sửa lỗi lầm; 
Mong sớm được lên thang Thập địa, 
Dốc lòng gìn giữ lấy chân tâm. 
                                            Băng Thanh 

II 
Từ nay theo Phật, lòng mừng, 
Sớm hôm sám hối lỗi lầm căn nguyên; 
Thang Thập địa sớm được lên, 
Dốc lòng gìn giữ chân tâm Bồ đề. 
                                                    Đỗ Quang Liên


Chú thích: 
Thập địa có hai cách định nghĩa: 
Theo Trí độ luận là: căn tuệ, tịnh địa, bất nhẫn, kiến địa, bạc địa, ly dục, dĩ biện, chi Phật, Bồ tát, Phật địa. Theo Kinh hoa nghiêm là: hoan hỷ, ly cấu, phát quang, diệm tuệ, cực nan thắng, hiện tiền, viễn hành, bất động, phổ tuệ, pháp vân.
Tượng trưng cho những nơi tốt đẹp của đất Phật.