Mar 31, 2013

15. Cáo tật thị chúng

Tác giả: Lý Trường (Mãn Giác 1052-1096) 李長 滿覺 
吿疾示眾
春去百花落
春到百花開
事逐眼前過
老從頭上來
莫謂春殘花落盡
庭前昨夜一枝梅

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai


Dịch nghĩa: 
Có bệnh bảo mọi người
Xuân đi, trăm hoa rụng, 
Xuân đến, trăm hoa lại nở;
Việc đời theo nhau ruổi qua trước mắt, 
Tuổi già hiện đến từ trên mái đầu; 
Đừng cho rằng xuân tàn thì hoa rụng mất,
Đêm qua, một cành mai đã nở trước sân.


Dịch thơ: 
I
Xuân ruổi trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười;
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi;
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước một cành mai.
                                              Ngô Tất Tố


II 
Xuân đi hoa rụng tơi bời, 
Xuân về hoa lại ngời ngời sắc hương;
Việc qua trước mắt – chuyện thường,
Già theo mái tóc nhuốm sương tới dần;
Chớ rằng xuân hết, hoa tàn,
Đêm qua sân trước nở nhành mai tươi.
                                                    Đỗ Quang Liên



Chú thích: 
Lý Trường, người Lũng Triền, hương An Cách, con  Trung Thư Ngoại Lang Lý Hoài Tố, thông cả Nho và Phật. Được vua Lý Nhân Tông tuyển vào cung, đặt tên là Hoài Tín. Sau đi tu, đi khắp nơi tìm bạn và rất đông học trò. Là nhân vật nổi tiếng trong thế hệ thứ tám dòng thiền Quan Bích.

Vua Lý Nhân Tông và hoàng hậu cho làm chùa ở cạnh cung Cảnh Hưng, mời ông đến ở, để tiện hỏi về đạo và bàn bạc việc nước, còn phong ông làm Nhập nội đạo tràng. 
Ông mất, vua đặt hiệu là Mãn Giác.

 

Mar 29, 2013

Tâm không

Tác giả: Mai Trực (Viên Chiếu 999-1091) 梅直 圓照
心空
身如墻壁已頹時
擧世匆匆孰
若達心空無色相
色空隱現任推移

Thân như tường bích dĩ đồi thì 
Cử thế thông thông thục bất bi 
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiện nhậm thôi di.


Dịch nghĩa: 
Cái tâm là không
Thân thngười ta như tường vách đến lúc đổ nát,
Tất cả người đời đều vội vã, ai mà chẳng buồn;
Nhưng nếu nhận thức được rằng cái tâm là không, sắc tướng cũng là không,
Thì “sắc” với “không”, khi ẩn khi hiện, mặc nó đổi dời.


Dịch thơ: 
Thân như tường vách đã lung lay, 
Lật đật người đời, những xót thay. 
Nếu được "lòng không" không tướng sắc, 
"Sắc", "không", ẩn hiện, mặc vần xoay.
                                                      Ngô Tất T
 

II 
Thân như vách sắp đổ rồi, 
Vội vã cuộc thế suốt đời buồn thương; 
Tâm không sắc tướng đều không, 
“Sắc”, “Không” ẩn hiện mặc vòng vần xoay.  
                                                     Đỗ Quang Liên



Chú thích:
Mai Trực người Phúc Ðường, huyện Long Ðàm, cháu của Hoàng Hậu Linh Cảm (mẹ vua Lý Thánh Tông). Học sư Định Hương ở núi Ba Tiêu, đứng đầu thế hệ thứ 7, dòng thiền Quan bích.

Kinh Lăng Nghiêm có câu: “Phi tâm phi không, tức tâm tức không” nghĩa là: Chẳng phải tâm chẳng phải không, thì cũng tức là tâm, tức là không.


Mar 27, 2013

Thị tịch


Tác giả: Đàm Khí (Ngộ Ấn 1020-1088) 譚棄悟印

示寂

妙性虚無不可攀
虚無心悟得何難
玉焚山上色常潤
蓮發爐中湿未乾


Diệu tính hư vô bất khả phan
Hư vô tâm ngộ đắc hà nan
Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận
Liên phát lô trung thấp vị can


Dịch nghĩa: 
Dặn lại trước khi mất
Cái thể tính thần diệu hư vô, khó lòng vươn tới 
Nhưng khi tâm hư vô thì hiểu được diệu tính cũng chẳng khó gì;
Giống như ngọc bthiêu đốt trên núi, màu sắc vẫn tươi nhuần mãi mãi,
Cũng giống như sen nở trong lò lửa mà vẫn ướt, chưa hề khô.


Dịch thơ: 
Hư vô tính diệu khó vin noi, 
Riêng bụng hư vô hiểu được thôi; 
Trên núi ngọc thiêu, màu vẫn nhuận,
Trong lò sen nở, sc thường tươi. 
                                                Ngô Tất Tố


II 
Hư vô tính diệu khó noi,
Tâm hư vô hiểu được thôi, khó nào;
Vẫn nhuần, ngọc bị lửa thiêu,
Vẫn tươi, sen nở bao lâu trong lò!
                                              Đỗ Quang Liên
 

Chú thích:
Đàm Khí, người Tư Lý, huyện Kim Bài, vốn Nho học nhưng giỏi chữ Phạn, năm 19 tuổi chuyển sang tu Phật, học sư Quảng Trí, chùa Quán Đính, sau tu ở núi Ninh Sơn, phủ Ứng Thiên (cũng gọi là Nam Kinh, thuộc Kinh thành Thăng Long), thế hệ thứ 8 dòng thiền Quan Bích.

Mar 25, 2013

Thủy hỏa (nhị)

Tác giả: Lâm Khu 林區


水火 (二)
自古來参學
人人指為南
若人問新事
新事月初三

Tự cổ lai tham học 
Nhân nhân chỉ vị Nam
Nhược nhân vấn tân sự 
Tân sự nguyệt sơ tam

Dịch nghĩa: 
Nước và lửa (bài 2) 
Từ xưa đến nay người đến học đạo, 
Ai nấy đều chỉ vì một phương hướng; 
Ví bằng có người hỏi cái mới, 
Thì cái mới giống như trăng mồng ba.

Dịch thơ: 
Từ cổ tới nay người học đạo, 
Chỉ vì một hướng, khác gì nhau. 
Ví bằng vệc mới, tìm ta hỏi, 
Việc mới, mồng ba, trăng buổi đầu. 
                                             Băng Thanh


II 
Người học đạo tự xưa nay, 
Chỉ vì một hướng ai hay thế nào; 
Việc mới, muốn hỏi ra sao? 
Thì như trăng mọc buổi đầu mùng ba. 
                                                Đỗ Quang Liên 


Mar 23, 2013

Thủy hỏa (I)

Tác giả: Lâm Khu 林區


水火 (一)
水火日相参
由來未可談
報君無處所
三三又三三

Thuỷ hoả nhật tương tham, 
Do lai vị khả đàm. 
Báo quân vô xứ sở, 
Tam tam hựu tam tam.

Dịch nghĩa: 
Nước và lửa (bài 1)
Nước, lửa ngày ngày thâm nhập lẫn nhau, 
Nguồn gốc của chúng không thể bàn đến được; 
Báo cho anh biết chúng không có xứ sở, 
Mà chỉ là cái "nhất như" và cái "nhất như" mà thôi.

Dịch thơ: 
I
Thuỷ hoả ngày ngày tham hợp lại, 
Do lai, khó nói cội nguồn đâu; 
Chớ lo mải miết tìm nơi chốn, 
Một mối chân như, rất nhiệm màu. 
                                        Băng Thanh

II
Nước lửa thâm nhập lẫn nhau, 
Cội nguồn của chúng biết đâu mà bàn; 
Chớ tìm xứ sở lan man, 
“Tam tam” và chỉ “Tam tam” nhiệm mầu.
                                                   Đỗ Quang Liên


Chú thích: 

Tam tam nghĩa là ba cộng với ba là sáu. "Tam tam hựu tam tam" nghĩa là trước là sáu, sau cũng là sáu. Đạo Phật có khái niệm “Lục tức Nhất” có nghĩa sáu tức là một, nghĩa là thứ bậc tu hành của các bậc Bồ Tát là sáu, nhưng đều nhằm đi tới “Một”, tức là thành Phật, mà Phật là trí tuệ, là bản thể. Đại ý các yếu tố nước, lửa, … hàng ngày xâm nhập lẫn nhau, tạo nên muôn vàn hiện tượng, nhưng cuối cùng cũng đều quy về bản thể.



Mar 22, 2013

Suy nghĩ về phiên dịch thơ văn Hán Nôm

Tư liệu Hán Nôm Việt Nam người xưa để lại mang nhiều đặc điểm


1. Văn bản thơ văn phần lớn là viết tay, sao chép lại nhiều lần, mỗi lần sao chép có thể làm sai lệch một số câu chữ.

2. Văn bản qua chiến tranh, thiên tai địch họa, cất giấu, bảo quản không tốt, nên có thể bị lửa xém, nước nhòe, chuột gặm, gián nhấm, mối xông, ... hoặc qua tay nhiều người sử dụng, lâu ngày giấy bị sờn tướp, sách bị đứt chỉ, tung gáy, ... xáo trộn một số trang và mất đi nhiều dòng, cột.

3. Chữ Hán Nôm không có lối viết hoa, khó phân biệt đâu là danh từ riêng. Không có dấu chấm dấu phẩy, nên việc xác định câu văn rất khó. Đặc biệt, văn thường viết theo thể biền ngẫu, thơ thường làm theo luật Đường, nên người dịch nếu không nắm được nguyên tắc làm thơ, câu đối, từ, phú thì thật lúng túng trong việc chấm câu.

4. Chữ Hán Nôm có nhiều kiểu viết: Đại Triện, Tiểu Triện, Lệ, Khải, Thảo, ... người dịch nếu không hiểu được các kiểu chữ, đặc biệt là các thể chữ Hành, Thảo, vốn được sử dụng nhiều, thì không đọc nổi, không có thể tra từ điển để tìm ý nghĩa các chữ ít thông dụng.

5. Chữ Nôm thì đang trong quá trình phát triển, chưa có quy phạm nhất định, mỗi thời, mỗi vùng, mỗi người viết một kiểu; Cá biệt, có một số chữ do một người viết mà đầu quyển thế này, cuối quyển thế khác. Đối với văn xuôi và danh từ riêng thì càng khó đọc.

6. Thơ văn Hán Nôm thường sử dụng nhiều điển cố và cụm từ rút gọn từ những câu văn cổ, nếu người dịch không đọc nhiều, nghe rộng và không có sách, công cụ để tra cứu thì rất khó hiểu được ý nghĩa của cụm từ, đặc biệt là các đại tự.

Với những lẽ trên, chúng tôi thấy nên làm


1. Đối với văn bản Hán Nôm nên cố gắng sao chụp lại, không nên chép tay hoặc đánh máy trên vi tính để tránh thêm một lần "tam sao thất bản". Đặc biệt, những tư liệu mờ, nhòe, những câu chữ còn nghi vấn, để người sau có thể phát hiện được (có những sách in những câu chữ người phiên dịch đoán gượng không đúng).

2. Nên làm song ngữ Hán, Nôm - Việt đối chiếu, trang tay trái là nguyên tác photocopy, trang tay phải là phiên âm, dịch nghĩa để người dọc dễ theo dõi và người sau có thể sửa chữa những sai sót của người phiên dịch trước. Không nên chỉ có phần phiên âm, vì chữ Hán có chữ có đến 25 đồng âm (như chữ Tiêu) và có chữ có đến 4 cách đọc (như chữ Hành ) (có sách in thơ tứ tuyệt mà cứ phải lật sang trang).

3. Người phiên dịch chữ Hán Nôm nên tìm học, nghiên cứu cả 4 phần:
a. Chữ Hán phồn thể, giản thể, văn ngôn, bạch thoại, ...
b. Chữ Nôm
c. Các luật thơ, câu đối, từ, phú (tôi tạm gọi là Thi pháp)
d. Các kiểu chữ Triện, Lệ, Thảo, ... (tôi tạm gọị là Thư pháp). Để có thể đọc được nhiều loại văn bản (có người hiệu đính đã sửa sai luật thơ; có sách đã in, dịch sai nhiều câu văn biền ngẫu).

4. Những người làm phiên dịch nên tự nguyện thành lập nhóm, tổ, câu lạc bộ hay hội Hán Nôm để giúp nhau học hỏi, nhớ lại, tra cứu, trao đổi, bàn bạc với tinh thần khiêm tốn, cầu tiến để hiểu được văn bản, tiếp cận chân lý.

Không ai nói mạnh được, nhất là hiện nay người phiên dịch như chúng tôi nghe, học còn quá ít, lại thiếu thầy, thiếu sách nên cần phải họp bạn để mong "Tam ngu thành hiền". Trong chúng tôi đã không dưới vài lần không đọc được hết chữ của một câu đối, một cuốn thư, một lọ độc bình, một cái quạt tàu, ...

Tôi  nghĩ, Dịch là thưởng thức tác phẩm sâu hơn, kỹ hơn, nhất là để dịch ra tiếng nước ngoài như Hán ra Anh, Pháp.

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2006

Đỗ Quang Liên
CLB thơ Hán - Việt - Pháp
CLB Thơ Dịch

Mar 21, 2013

10. Đáp Lý Thái Tông tâm nguyện chi vấn (Kỳ nhị)

Tác giả: Lâm Khu (Huệ Sinh) (?-1063) 惠生

答李太宗心願之問 其二
寂寂棱伽月
空空渡海舟
知空空覺有
三昧任通週 


Tịch tịch Lăng Già nguyệt
Không không độ hải chu 
Tri không không giác hữu, 
Tam muội nhậm thông chu.

Dịch nghĩa: 
Trả lời Lý Thái Tông hỏi về tâm nguyện (kỳ 2) 
Lặng lẽ như vầng trăng trên núi Lăng Già, 
Hư không như con thuyền vượt biển. 
Biết đúng cái không thì cái không hoá ra cái có, 
Và sẽ mặc ý mà đi và đi khắp tam muội(2).

Dịch thơ: 
I
Lặng lẽ trăng Lăng Già, 
Thuyền không vượt biển ra; 
Biết lẽ không, lẽ có, 
Tam muội hiểu sâu xa. 
                      Đỗ Quang Liên

II
Như trăng lặng lẽ Lăng Già, 
Hư không, thuyền vượt biển xa ngàn trùng; 
Biết về lẽ có, lẽ không, 
Hiểu sâu Tam muội thoát vòng vô minh.
                                                       Đỗ Quang Liên


Chú thích: 

1. Lâm Khu Huệ Sinh đi tu từ năm 19 tuổi, sau được vua Lý Thái Tông mời về triều, phong làm Đô tăng lục. Sau vua Lý Thánh Tông phong làm Tả nhai Đô tăng thống, ngang với tước Hầu. 

2. Tam muội: Ở đây chỉ cảnh giới của những người đã bỏ được mọi ràng buộc mà đi tới sự giải thoát.



Mar 19, 2013

Đáp Lý Thái Tông tâm nguyện chi vấn (kỳ nhất)

Tác giả: Lâm Khu (Huệ Sinh) (?-1063) 惠生



答李太宗心願之問 其一 
法本如無法
非有
若人知此法
眾生與佛同

Pháp bản như vô Pháp, 
Phi hữu diệc phi không, 
Nhược nhân tri thử Pháp 
Chúng sinh dữ Phật đồng.

Dịch nghĩa: 
Trả lời Lý Thái Tông hỏi về tâm nguyện 
Thế giới hiện tượng vốn như không có, 
Chẳng phải là có, cũng chẳng phải là không; 
Nếu người ta hiểu được cái nguyên lý ấy, 
Thì chúng sinh cũng đồng nhất với Phật.

Dịch thơ: 
I. 
Pháp tướng vốn như không có pháp, 
Mơ màng như có lại như không; 
Pháp này ví có người am hiểu, 
Thế tục, Như Lai một chữ đồng. 
                                              Nam Trân

II. 
Pháp tướng vốn đã là không, 
Chẳng là có, chẳng là không – mơ màng; 
Pháp này ai hiểu kỹ càng, 
Chúng sinh với Phật cũng đồng như nhau.

                                           Đỗ Quang Liên


Chú thích: 
Lâm Khu, người Đông Phù Liệt, huyện Long Đàm, châu Thượng Phúc (đời nhà Lê đổi là huyện Thanh Trì, nay thuộc Hà Nội), đạt danh hiệu Tăng Thống, đứng đầu thế hệ thứ 13 dòng thiền Nam Phương. Vua Lý Thái Tông phong là Đô Tăng Lục. Vua Lý Thánh Tông phong Tả Nhai Đô Tăng Thống, ngang với tước Hầu.

Mar 18, 2013

Suy nghĩ về chữ Hán Nôm (Phần 2)

Khai thác vốn văn hóa Hán Nôm người xưa để lại

Để khai thác, kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, ta phải đặc biệt quan tâm đến Văn hóa Hán Nôm (bao gồm Văn ngôn chữ Hán, chữ Nôm và cả Thư pháp Hán Nôm). Muốn đọc chữ Nôm không thể không biết chữ Hán; muốn đọc chữ Hán không thể không biết các kiểu chữ viết (Triện, Lệ, Chân, Thảo,… tôi tạm gọi là Thư pháp). Riêng đối với văn hóa Hán Nôm Việt Nam thì tư liệu phần lớn là viết tay, mà viết tay lại phần lớn là kiểu chữ Hành, chữ Thảo, nên ta không thể không biết Thư pháp. Và tư liệu Hán Nôm phần lớn là viết theo luật bằng trắc, theo biền ngẫu, theo phú đối, luật thơ Đường (tôi tạm gọi chung là luật thơ) nên ta không thể không biết phương pháp viết văn, làm thơ, câu đối, và các loại phú

Như vậy, để hiểu được Văn hóa Hán Nôm, ta phải có đủ hiểu biết về Thư pháp, về luật biền ngẫu, về thơ, câu đối, … về văn ngôn chữ Hán; Đồng thời cũng cần nghiên cứu thêm cả chữ Giản thể và văn Bạch thoại. Muốn được như vậy người học cần có nhiều thời gian hơn các ngành học ngoại ngữ như Trung văn, Pháp, Nga, Anh, … (Tôi muốn nhấn mạnh là biết về Thư pháp và luật thơ, chứ viết Thư pháp và làm thơ lại là hai sở trường riêng, chuyên sâu hơn).
Lâu nay, chúng ta đã có Viện nghiên cứu Hán Nôm, có nhiều Giáo sư, Tiến sỹ Hán Nôm, nhưng thiển nghĩ chưa hội đủ 4 phần: Thư pháp – Luật thơ – Văn ngôn chữ Hán (bao gồm cả phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ và chú dẫn) – chữ Nôm và hình như cũng chưa có đủ các bộ môn chuyên sâu vào từng phần này!?

Ta cũng nên vận động thành lập một tổ chức quần chúng gọi là Hội Hán Nôm Việt Nam để tập hợp những người có hiểu biết và yêu quý Hán Nôm cùng nhau hoạt động nghiên cứu 4 phần trên.

Sử dụng chữ Hán Nôm và thư pháp Hán Nôm đối với nước ta

- Ch Nôm có thể hầu như không nên viết nữa vì ta đã có chữ Quốc ngữ.
- Thơ, câu đối, … chữ Hán có thể có một bộ phận nào đó say mê vốn cổ, tìm hiểu, sáng tác để ngâm ngợi, mừng tặng cho nhau, … có lẽ không nên tiếp tục làm Đại tự, Câu đối, thơ chữ Hán mới sáng tác để treo gia đình, đình chùa, và các nơi danh lam thắng cảnh nữa. Ta chỉ nên phục chế những tư liệu Hán Nôm cổ đã có theo đúng nguyên bản.
- Thư pháp cũng vậy, ta đã có và đang sử dụng chữ Quốc ngữ nên không cần phục hồi và hoạt động ồn ào; nên chăng có một bộ phận nào đó say mê vốn cổ, tìm hiểu, thể hiện như một ngành thư họa để viết mừng, tặng cho nhau những câu đối, vần thơ tâm đắc, đặc biệt là cho chữ trong những dịp Lễ, Tết. (Tôi đã thấy nhiều Đại tự, Câu đối treo ở những nơi di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, nhiều khách nước ngoài đến tham quan đã viết sai và/hoặc chữ xấu quá. Điều này không những không làm tăng thêm mà còn làm giảm đi rất nhiều tinh hoa Văn hiến Việt Nam, để tiếng xấu  cho những người cung tiến và đặc biệt là cho cơ quan quản lý di tích).

Sử dụng và học chữ Hán, Nôm trong nhà trường và toàn xã hội

Đây là một vấn đề đặc biệt quan trọng nhưng lại vô cùng phức tạp. Loại chữ đặc thù này ở Việt Nam phải được xếp tiếp liền, xếp ngay sau chữ Quốc ngữ. Khác hẳn với Trung văn, Pháp, Nga, Anh, … (tôi muốn gọi là bán sinh ngữ Việt Nam). Như đã trình bày ở trên, những từ ngữ chữ Hán chiếm đến 60, 70% trong tổng số từ mà khi ta suy nghĩ, giao tiếp, nói năng và viết văn đều dùng đến nó. Ta cần hiểu nó một cách thấu đáo để sử dụng cho đúng. Thiển nghĩ, nhà nước ta nên chăng có một bộ phận dành thời gian chuyên sâu nghiên cứu kỹ vấn đề này, đặt trong chương trình cải cách giáo dục để đề xuất được với đảng, nhà nước, quốc hội và chính phủ kế hoạch thực hiện. Nên chăng có Ban Tu thư soạn những từ, cụm từ, thành ngữ chữ Hán trích từ các sách kinh điển đưa vào chương trình học từ lớp một cho đến hết đại học. Những người làm công tác tư tưởng, phê bình văn học nghệ thuật, quản lý văn hóa, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ, nhà ngoại giao, hướng dẫn viên du lịch, … nên có trình độ tương đương với đại học Hán Nôm để tránh được những sai lầm đáng tiếc. (Trong nhiều sách báo, chương trình truyền thanh, truyền hình hiện nay có những thiếu sót đó).

Với hiểu biết hạn chế, không xem đọc nhiều, thiếu những thông tin, tôi suy nghĩ thế nào xin trình bày như vậy. Rất mong được các độc giả và các cơ quan lượng thứ và tham gia ý kiến bổ khuyết cho.

Đỗ Quang Liên
Ngày 27/07/2005

Số 7, ngõ 60, phố Nhân Hòa,
phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.
Email: hannomlacdao@gmail.com

Mar 17, 2013

Thị chư Thiền lão tham vấn thiền chỉ

Tác giả: Lý Phật Mã Thái Tông (1000-1054) 李佛馬太宗

示諸禪老参問禪旨
般若眞無宗
人空我亦空
過現未來佛
法性本相同

Bát Nhã chân vô tông, 
Nhân không ngã diệc không; 
Quá hiện vị lai Phật, 
Pháp tính bản tương đồng.

Dịch nghĩa: 
Trả lời các vị Thiền lão hỏi về yếu chỉ đạo thiền 
Ánh sáng của trí tuệ thật không có nguồn gốc nào cả, 
Người không, mà ta cũng là không; 
Các vị Phật quá khứ, hiện tại và tương lai, 
Tính Phật vốn giống nhau.

Dịch thơ: 
“Bát Nhã” thực vô tông, 
Người không, mình cũng không; 
Phật trước, nay, sau nữa, 
Pháp tính vốn đồng tông. 
                                        Ngô Tất Tố

II 
“Bát Nhã” thực không gốc nguồn, 
Người không, ta cũng là không cả mà; 
Phật xưa, nay hoặc sau ta, 
Thì mọi tính Phật vốn là giống nhau. 
                                                  Đỗ Quang Liên

Chú thích: 
Vua Lý Phật Mã húy Đức Chính, con trưởng của vua Lý Thái Tổ, (là vị vua hiền, Lê Quý Đôn từng so sánh với vua Quang Vũ – người đánh bại Vương Mãng – lập ra nhà Đông Hán, đóng đô Lạc Dương, làm vua từ năm 25 -57).

Bát Nhã: Phiên âm tiếng Phạn: Prajna, nghĩa là Trí Tuệ, cũng dùng để chỉ Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, là cương lĩnh của tông “Bản Vô”, tông phái này quan niệm tất cả mọi vật chất và tinh thần đều là hư ảo.
Pháp tính (tính Phật) chỉ bản thể của vũ trụ, Phật giáo coi Phật và Chúng sinh đều chung một bản thể.

Mar 16, 2013

Nhật nguyệt

Tác giả: Thiền Lão 禪老

日月
但知今日月
識舊春秋

翠竹花非外
白雲明月露全

Đãn tri kim nhật nguyệt 
Thùy thức cựu xuân thu 

Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh 
Bạch vân minh nguyệt lộ toàn chân.

Dịch nghĩa: 
Ngày tháng 
Chỉ biết ngày tháng đang diễn ra trước mắt, 
Nào ai hay những mùa xuân, mùa thu đã trôi qua. 
Trúc biếc, hoa vàng chẳng phải là cảnh bên ngoài, 
Mây trắng, trăng trong lộ rõ cái “Chân” toàn vẹn.

Dịch thơ: 
Ngày tháng
I. 
Những biết tháng ngày nay, 
Ai biết xuân thu trước. 
Trúc biếc, hoa vàng đâu ngoại cảnh, 
Trăng thanh mây trắng lộ toàn chân.
                                             Đỗ Quang Liên
II. 
Biết thời gian của hôm nay, 
Xuân xưa, thu cũ ai hay biết gì. 
Ngoại cảnh đâu có phải: Hoa vàng với trúc xanh; 
Lộ vẻ chân toàn vẹn: Ở mây trắng, trăng thanh. 
                                                                Phạm Tú Châu.


Chú thích: 
Thiền Lão là mỹ hiệu nhà sư thuộc thế hệ thứ sáu dòng thiền Quan Bích, theo học thiền sư Đa Bảo ở chùa Kiến Sơ, sau tu ở núi Từ Sơn (có lẽ thuộc châu Vũ Ninh, thuộc lộ Bắc Giang). Vua Lý Thái Tông thường đến chùa cùng đàm đạo, định đón về làm cố vấn, nhưng chưa kịp mời, ông đã mất.