Mar 18, 2013

Suy nghĩ về chữ Hán Nôm (Phần 2)

Khai thác vốn văn hóa Hán Nôm người xưa để lại

Để khai thác, kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, ta phải đặc biệt quan tâm đến Văn hóa Hán Nôm (bao gồm Văn ngôn chữ Hán, chữ Nôm và cả Thư pháp Hán Nôm). Muốn đọc chữ Nôm không thể không biết chữ Hán; muốn đọc chữ Hán không thể không biết các kiểu chữ viết (Triện, Lệ, Chân, Thảo,… tôi tạm gọi là Thư pháp). Riêng đối với văn hóa Hán Nôm Việt Nam thì tư liệu phần lớn là viết tay, mà viết tay lại phần lớn là kiểu chữ Hành, chữ Thảo, nên ta không thể không biết Thư pháp. Và tư liệu Hán Nôm phần lớn là viết theo luật bằng trắc, theo biền ngẫu, theo phú đối, luật thơ Đường (tôi tạm gọi chung là luật thơ) nên ta không thể không biết phương pháp viết văn, làm thơ, câu đối, và các loại phú

Như vậy, để hiểu được Văn hóa Hán Nôm, ta phải có đủ hiểu biết về Thư pháp, về luật biền ngẫu, về thơ, câu đối, … về văn ngôn chữ Hán; Đồng thời cũng cần nghiên cứu thêm cả chữ Giản thể và văn Bạch thoại. Muốn được như vậy người học cần có nhiều thời gian hơn các ngành học ngoại ngữ như Trung văn, Pháp, Nga, Anh, … (Tôi muốn nhấn mạnh là biết về Thư pháp và luật thơ, chứ viết Thư pháp và làm thơ lại là hai sở trường riêng, chuyên sâu hơn).
Lâu nay, chúng ta đã có Viện nghiên cứu Hán Nôm, có nhiều Giáo sư, Tiến sỹ Hán Nôm, nhưng thiển nghĩ chưa hội đủ 4 phần: Thư pháp – Luật thơ – Văn ngôn chữ Hán (bao gồm cả phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ và chú dẫn) – chữ Nôm và hình như cũng chưa có đủ các bộ môn chuyên sâu vào từng phần này!?

Ta cũng nên vận động thành lập một tổ chức quần chúng gọi là Hội Hán Nôm Việt Nam để tập hợp những người có hiểu biết và yêu quý Hán Nôm cùng nhau hoạt động nghiên cứu 4 phần trên.

Sử dụng chữ Hán Nôm và thư pháp Hán Nôm đối với nước ta

- Ch Nôm có thể hầu như không nên viết nữa vì ta đã có chữ Quốc ngữ.
- Thơ, câu đối, … chữ Hán có thể có một bộ phận nào đó say mê vốn cổ, tìm hiểu, sáng tác để ngâm ngợi, mừng tặng cho nhau, … có lẽ không nên tiếp tục làm Đại tự, Câu đối, thơ chữ Hán mới sáng tác để treo gia đình, đình chùa, và các nơi danh lam thắng cảnh nữa. Ta chỉ nên phục chế những tư liệu Hán Nôm cổ đã có theo đúng nguyên bản.
- Thư pháp cũng vậy, ta đã có và đang sử dụng chữ Quốc ngữ nên không cần phục hồi và hoạt động ồn ào; nên chăng có một bộ phận nào đó say mê vốn cổ, tìm hiểu, thể hiện như một ngành thư họa để viết mừng, tặng cho nhau những câu đối, vần thơ tâm đắc, đặc biệt là cho chữ trong những dịp Lễ, Tết. (Tôi đã thấy nhiều Đại tự, Câu đối treo ở những nơi di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, nhiều khách nước ngoài đến tham quan đã viết sai và/hoặc chữ xấu quá. Điều này không những không làm tăng thêm mà còn làm giảm đi rất nhiều tinh hoa Văn hiến Việt Nam, để tiếng xấu  cho những người cung tiến và đặc biệt là cho cơ quan quản lý di tích).

Sử dụng và học chữ Hán, Nôm trong nhà trường và toàn xã hội

Đây là một vấn đề đặc biệt quan trọng nhưng lại vô cùng phức tạp. Loại chữ đặc thù này ở Việt Nam phải được xếp tiếp liền, xếp ngay sau chữ Quốc ngữ. Khác hẳn với Trung văn, Pháp, Nga, Anh, … (tôi muốn gọi là bán sinh ngữ Việt Nam). Như đã trình bày ở trên, những từ ngữ chữ Hán chiếm đến 60, 70% trong tổng số từ mà khi ta suy nghĩ, giao tiếp, nói năng và viết văn đều dùng đến nó. Ta cần hiểu nó một cách thấu đáo để sử dụng cho đúng. Thiển nghĩ, nhà nước ta nên chăng có một bộ phận dành thời gian chuyên sâu nghiên cứu kỹ vấn đề này, đặt trong chương trình cải cách giáo dục để đề xuất được với đảng, nhà nước, quốc hội và chính phủ kế hoạch thực hiện. Nên chăng có Ban Tu thư soạn những từ, cụm từ, thành ngữ chữ Hán trích từ các sách kinh điển đưa vào chương trình học từ lớp một cho đến hết đại học. Những người làm công tác tư tưởng, phê bình văn học nghệ thuật, quản lý văn hóa, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà thơ, nhà ngoại giao, hướng dẫn viên du lịch, … nên có trình độ tương đương với đại học Hán Nôm để tránh được những sai lầm đáng tiếc. (Trong nhiều sách báo, chương trình truyền thanh, truyền hình hiện nay có những thiếu sót đó).

Với hiểu biết hạn chế, không xem đọc nhiều, thiếu những thông tin, tôi suy nghĩ thế nào xin trình bày như vậy. Rất mong được các độc giả và các cơ quan lượng thứ và tham gia ý kiến bổ khuyết cho.

Đỗ Quang Liên
Ngày 27/07/2005

Số 7, ngõ 60, phố Nhân Hòa,
phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.
Email: hannomlacdao@gmail.com

No comments:

Post a Comment