Mar 15, 2013

Suy nghĩ về chữ Hán Nôm (Phần 1)

Tác giả: Đỗ Quang Liên

Nước ta sử dụng liên tục chữ Hán đến hàng nghìn năm và thêm vào đó là chữ Nôm, đến bảy, tám trăm năm. Từ ngày có chữ Quốc ngữ, chữ Hán và chữ Nôm dần dần không được thông dụng, đi đến thôi hẳn, coi như là Tử ngữ.
Hàng nghìn năm ấy, tổ tiên ta đã để lại một khối lượng thư tịch chữ Hán Nôm vô cùng quý giá; Bên cạnh đó, chữ Hán Nôm còn được khắc ghi ở các bia đá, bia đồng, chuông, khánh, câu đối, đại tự tại các đình chùa, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa Việt Nam mà một số nơi đã được quốc tế công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Muốn thừa kế, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, ta không thể không khai thác đúng đắn khối lượng chữ Hán Nôm vô giá này. Trong đó, có một phần rất đặc biệt, rất thân thiết là các quyển Gia phả - Tộc phả viết bằng chữ Hán Nôm, nếu không đọc được, hiểu được, chúng ta sẽ không biết được tổ tiên mình là ai!!! Nói đến tương lai dân tộc, mà không biết về quá khứ của gia đình thì thật là lạ (Vì đất nước là do nhiều gia tộc hợp thành).

Như vậy, thì ta có thể coi chữ Hán là Tử ngữ được chăng? Nếu coi nó là Tử ngữ (nhưng không thể được – nó phải là cái gì khác với Tử ngữ) thì nó chỉ là Tử ngữ về văn tự, vì ta không viết, và không in sách, báo bằng chữ Hán Nôm nữa mà bằng chữ Quốc ngữ. Nhưng trong suy nghĩ, giao tiếp, nói năng và viết thành văn (dù bằng chữ Quốc ngữ) thì nó không phải là Tử ngữ, mà chính là Sinh ngữ. Bởi vì những từ như: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM; Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; Quốc kỳ; Quốc ca; Đảng Cộng sản; Ban chấp hành trung ương; Bộ chính trị; Tổng bí thư; Lãnh tụ; Đại biểu quốc hội; Chủ tịch; Hội đồng chính phủ; Thủ tướng; Bộ trưởng; Mặt trận Tổ quốc; Hiến pháp; Pháp luật; Kết nạp; Phê bình; Cảnh cáo; Khiển trách; Khai trừ; Kỷ luật; Đề bạt, v.v và v.v… đều là chữ Hán; Tên người, tên đất, những từ kép từ hai chữ trở lên, phần lớn là chữ Hán, tỷ lệ chiếm đến 60% đến 70% trong tổng số từ và cụm từ (chúng ta nên có điều tra để nêu được tỷ lệ chính xác). Nếu ta không hiểu nghĩa một cách đầy đủ, đúng đắn thì dùng từ sẽ lẫn lộn, dẫn đến những sai lầm không đáng có.

Chữ Hán với các nước Đồng văn

Ta vẫn coi Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản và Trung Quốc là các nước Đồng văn, vì bản chất văn hóa và vì chữ viết của bốn nước này có gốc từ chữ Hán Trung Quốc. Hiện nay, tình hình có khác. Trung Quốc tuy có dùng mẫu tự La Tinh nhưng văn tự chính vẫn là chữ Hán Bạch thoại và Văn ngôn (giống với chữ Hán Việt Nam, nhưng đọc theo âm Trung Quốc). Giao tiếp với các nước này, ta có các ngành học tiếng Triều Tiên, tiếng Nhật Bản, tiếng Trung. Tiếng Trung ở đây tức là ngôn ngữ văn tự Bạch thoại, ta gọi là ngoại ngữ Trung Văn, ta có thể nghe-nói-dịch-viết được giống như các ngành ngoại ngữ khác: Anh, Pháp, Nga, v.v… (Riêng Trung văn cần có thêm thời lượng học chữ Phồn thể và Văn ngôn). Còn đối với những người Việt Nam chỉ biết văn tự trước đây của Triều Tiên, Nhật Bản và Văn ngôn của Trung Quốc (tức là gốc từ chữ Hán) thì chỉ có thể bút đàm để hiểu nhau trong khi giao tiếp chữ không thể nghe, nói được.

Chữ Hán đối với nước ta

Hiện nay, ta dùng chữ Quốc ngữ, không dùng chữ Hán nữa. Nhưng những tư liệu có được từ hàng ngàn năm nay đòi hỏi ta phải khai thác, muốn khai thác được ta phải hiểu chữ Hán ông cha để lại.  Phần lớn các tư liệu này là sách viết tay, qua thời gian nhòa, rách rất nhiều.
Văn thường dùng lối Biền ngẫu, thơ thường làm theo luật Đường, không có dấu phẩy, dấu chấm, không viết hoa (không biết đâu là danh từ chung, danh từ riêng), hay dùng các điển cố xa xưa và dùng các cụm từ rút gọn trích dẫn từ kinh, sách cổ (nhất là đối với Đại tự). Nếu người đọc không hiểu luật bằng trắc, niêm luật thơ, luật phú đối, không đọc nhiều sách để có thể hiểu được ý nghĩa của các cụm từ rút gọn hoặc câu văn trích dẫn từ kinh sách cổ thì riêng việc chấm câu đã không làm được, chứ chưa nói đến việc phiên âm, dịch nghĩa hay chú thích các câu văn và điển cố văn học. 

Chữ thì có nhiều chữ đồng âm, dị nghĩa; như chỉ một âm chữ Tiêu có đến 25 chữ viết khác nhau với nhiều nghĩa khác nhau; như chữ đọc được 4 âm: hành, hạnh, hàng, hạng mang theo ý nghĩa tùy theo văn cảnh (thí dụ chữ “Cao Sơn Cảnh Hành” ở đền Hùng đã làm tốn bao nhiêu lời bàn cãi). 

Còn về chữ viết thì nhiều kiểu: chữ Đại Triện, Tiểu Triện, chữ Lệ, chữ Chân, chữ Hành, đặc biệt là chữ Thảo; thật khó cho những người không đọc nhiều, xem rộng. Chữ đã không hiểu để tra tự điển thì nói gì đến phiên âm và dịch nghĩa (Thí dụ: những bài thơ minh họa trong tranh “Tố nữ” ít vị đọc hết, dịch đủ, chưa nói đến dịch thành thơ). Đấy là còn chưa nói đến các chữ kỵ húy phải viết thêm hay thiếu nét và những chỗ bị gián nhấm, chuột gặm, mưa nhòe, rách nát phải đọc đi đọc lại cả đoạn văn rất nhiều lần để đoán gượng cho ra. Thiển nghĩ, để đạt được trình độ gọi là đại học, bằng cấp tương đương với Trung văn thì thời gian có thể phải gần gấp đôi.

Chữ Nôm của nước ta

Để ghi âm đúng theo tiếng nói, tổ tiên ta đã mượn chữ Hán để đặt ra chữ Nôm. Như vậy, muốn hiểu chữ Nôm bắt buộc phải biết chữ Hán. Nhưng chữ Nôm thì mỗi thời, mỗi vùng, mỗi người lại có thể viết khác nhau, thậm chí đối với một người thôi, chỉ một chữ thôi mà đầu quyển viết chữ thế này, cuối quyển lại viết thế khác; đang trong quá trình phát triển, chưa thành một quy phạm thống nhất nào. Có thể câu: “Nôm na là cha mách qué” là chỉ để nói về lĩnh vực viết chữ Nôm chăng? (Việc tranh luận gay gắt về những từ trong truyện Kiều là một ví dụ).


(còn tiếp)


No comments:

Post a Comment