Aug 31, 2013

Xuân hiểu

Tác giả:  Trần Nhân Tông 陳仁宗

春曉
睡起啟窗扉
不知春已歸
一雙白蝴蝶
拍拍趁花飛

Thụy khởi khải song phi 
Bất tri xuân dĩ quy 
Nhất song bạch hồ điệp 
Phách phách sấn hoa phi

Dịch nghĩa: 
Buổi sớm mùa xuân 
Ngủ dậy mở cánh cửa sổ, 
Không ngờ mùa xuân đã về; 
Một đôi bướm trắng, 
Phần phật cánh, bay đến với hoa.

Dịch thơ: 
Ngủ dậy, mở cửa sổ, 
A, xuân về rồi đây; 
Kìa, một đôi bướm trắng, 
Nhằm hoa, phơi phới bay. 
                           Trần Lê Văn 

II 
Thức rồi, dậy mở cánh song, 
Chẳng hay xuân đã vừa sang lúc nào; 
Một đôi bướm trắng dập dìu, 
Nhởn nhơ vỗ cánh bay vào trong hoa. 
                                                 Đỗ Quang Liên 






Aug 30, 2013

Xuân nhật yết Chiêu Lăng

Tác giả: Trần Nhân Tông 陳仁宗
春日謁昭陵
貔虎千門肅
衣冠七品通
白頭軍士在
往往說元豐


Tì hổ thiên môn túc 
Y quan thất phẩm thông 
Bạch đầu quân sĩ tại 
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong

Dịch nghĩa: 
Ngày xuân thăm Chiêu Lăng 
Quân thị vệ như hùm gấu, trước nghìn cửa đứng nghiêm túc, 
Áo mũ các quan đủ cả bảy phẩm; 
Người lính già đầu bạc còn đến ngày nay, 
Thường kể lại chuyện đời Nguyên Phong.

Dịch thơ: 
Nghìn cửa, nghiêm tì hổ, 
Bảy phẩm, đủ cân đai. 
Lính bạc đầu còn đó, 
Chuyện Nguyên Phong, kể hoài.
                                       Trần Lê Văn 

II 
Lính canh ngàn cửa đứng nghiêm, 
Bảy bậc văn võ áo xiêm rạng ngời; 
Quan quân đầu bạc trắng rồi, 
Say sưa kể chuyện một thời Nguyên Phong. 
                                                          Đỗ Quang Liên 

Audience auprès du Mausolée Chiêu Lăng, un jour du printemps 
Devant milles portes, se tiennent sérieusement les gardes puissants, 
Avec des costumes de cérémonies, tout le mandarinat de sept grades, s’y présente. 
Les anciens officiers et soldats aux cheveux blancs sont encore sous les drapeaux, 
Racontent avec ardeur sans répit les exploits du règne de Nguyên Phong.
Traduit par Đỗ Quang Liên

Chú thích: 
Nguyên Phong (1251-1258) là niên hiệu cuối của vua Trần Thái Tông (1218-1277).




Aug 29, 2013

Ca trù: Trăng nước hữu tình

(Lời bài Hát nói Ca trù)
Tác giả: Đỗ Quang Liên


Mưỡu: 
Lá thuyền lướt giữa hồ xanh 
Ánh trăng mờ tỏ, bóng mình thực hư 
Xôn xao mặt nước gió đùa 
Ngỡ dòng suối Yến thời xưa đi đò…

Hát nói: 
Trăng thanh gió mát, 
Lá thuyền xinh nhẹ lướt giữa hồ xanh. 
Mảnh trăng vàng gieo ánh sáng lung linh, 
Khuôn Bảy mẫu mênh mông kho vô tận. 
        Nguyệt thủy phong hòa xao não ngận 
        Nhạc ca thi hội xúc tâm ba. 
Chợt bên tai văng vẳng tiếng cầm ca, 
Lời trăng gọi hay gió đùa xa lại, 
Tiếng xôn xao nước hồ vang vọng mãi 
Nhạc diệu huyền dìu dặt điệu Hương Giang. 
Giữa đêm hè bỗng thức dậy hồn sen, 
Lời ca đẹp quyện ngát hương quê nội. 
Ngỡ suối Yến, Hương sơn đò đi trẩy hội, 
Động lòng ai mát rượi mộng hồn xanh. 
Hồ thanh trăng nước hữu tình!


Ghi chú: 
Chữ Hán hai câu Thơ:
月水風和敲腦痕
樂歌詩會觸心波

Dịch nghĩa: 
Trăng, nước, gió hòa với nhau xao động vào vằn óc; 
Nhạc, hát, thơ hội lại làm rung động sóng lòng.




Aug 28, 2013

115. Thướng đốc học Phạm Hầu

Tác giả: Phạm Đình Hổ 范廷琥
上督學范侯
方塘淺浅水籬疎
督學先生課艺蔬
邑子近來謀改業
不知農圃較何如


Phương đường thiển thiển thủy li sơ 
Đốc học tiên sinh khóa nghệ sơ 
Ấp tử cận lai mưu cải nghiệp 
Bất tri nông phố giảo hà như

Dịch nghĩa: 
Dâng ngài đốc học Phạm Hầu 
Ao vuông nước lấp xấp, rào thưa, 
Thầy đốc học dạy trồng rau dưa; 
Người trong huyện gần đây toan tính chuyện đổi nghề, 
Chẳng biết nghề nông với nghề làm vườn khác nhau thế nào!

Dịch thơ: 
Ao vuông nước cạn với rào thưa 
Thầy đốc dạy trồng luống cải dưa 
Người xóm gần đây toan đổi nghiệp 
Rồi ra vườn, ruộng sẽ ra mô? 
                                           Mai Hải 

II 
Nước ao lấp xấp, rào thưa 
Thầy Đốc khuyên dạy học trò trồng rau 
Đổi nghề người xóm bảo nhau 
Làm vườn, làm ruộng đằng nào khó hơn? 
                                                     Đỗ Quang Liên




Aug 27, 2013

Vô đề

Tác giả: Phạm Đình Hổ 范廷琥
無題
年來憔悴貧兼病
膏沐無心髮欲絲
何事紅樓脂粉侶
相逢猶自道蛾眉

Niên lai tiều tụy bần kiêm bệnh 
Cao mộc vô tâm phát dục ti 
Hà sự hồng lâu chi phấn lữ 
Tương phùng do tự đạo nga mi

Dịch nghĩa: 
Vô đề 
Năm lại đây, thật tiều tụy, vừa nghèo vừa bệnh, 
Chẳng để ý đến dầu bôi tóc, tóc sắp rối thành tơ; 
Việc gì mà bạn phấn sáp ở lầu hồng, 
Gặp nhau còn cứ tự khen là mày ngài.

Dịch thơ: 
I
Gần đây tiều tụy ốm và nghèo, 
Tóc rối tờ vò, lãng xịt keo; 
Bạn lứa lầu hồng son phấn gặp, 
Việc gì còn bảo bảnh bao nhiêu! 
                                 Đỗ Quang Liên 

II

Mấy năm nghèo bệnh xác xơ, 
Dầu thoa chểnh mảng tóc tơ tơ vò; 
Lầu hồng bạn phấn hững hờ, 
Gặp nhau còn cứ khen là: “xinh trai”. 
                                                       Mai Hải 







Aug 26, 2013

Nhiếp phát ngẫu thành trình nhất nhị tri kỉ

Tác giả: Phạm Đình Hổ 范廷琥


鑷髮偶成呈一二知己
乍聽兒童驚白髮
始知愁病誤青年
一緘憑語知心者
往事回頭合黯然


Sạ thính nhi đồng kinh bạch phát 
Thủy tri sầu bệnh ngộ thanh niên 
Nhất giam bằng ngữ tri tâm giả 
Vãng sự hồi đầu hợp ảm nhiên

Dịch nghĩa: 
Ngẫu nhiên thành thơ trong lúc cắt tóc, trình vài bạn tri kỷ 
Chợt nghe trẻ nhỏ sợ bạc đầu 
Mới biết bệnh sầu nhầm người trẻ tuổi 
Mượn phong thư nhắn với người biết lòng mình 
Việc đã qua, ngoảnh lại nhìn buồn thấm thía.

Dịch thơ: 
Cháu nhỏ thường nghe sợ bạc đầu, 
Mới hay trẻ mắc bệnh ôm sầu; 
Phong thư nhắn với người tri kỷ, 
Việc cũ quay nhìn thấm thía đau. 
                                   Đỗ Quang Liên 

II
Vừa nghe trẻ nói sợ già,
Mới hay sầu bệnh thẫn thờ tuổi xanh;
Thơ một bức gửi tri âm,
Bao nhiêu việc cũ thương tâm chạnh lòng.
                                                               Mai Hải



Aug 24, 2013

Hy ngôn huynh lai phỏng tống biệt chi tác

Tác giả: Phạm Đình Hổ 范廷琥
希言兄來訪送別之作
送子京中去
悠悠思不堪
不知相訪後
曾否夢江南


Tống tử kinh trung khứ 
Du du tứ bất kham 
Bất tri tương phỏng hậu 
Tằng phủ mộng Giang Nam

Dịch nghĩa: 
Anh Hy ngôn đến thăm, làm khi tiễn biệt 
Đưa Bác từ kinh đi 
Nghĩ miên man khôn cầm 
Không biết sau chuyến viếng thăm này 
Bác thường có giấc mộng Giang Nam không?

Dịch thơ: 
I
Tiễn Bác vừa đi khỏi 
Thì tứ chẳng thể ngăn 
Nào hay sau chuyến ấy 
Từng có mộng Giang Nam? 
                               Lâm Giang 

II 
Tiễn chân Bác trở ra kinh 
Bâng khuâng tình tứ linh tinh khôn cầm; 
Không hay sau chuyến viếng thăm; 
Có từng đắm mộng Giang Nam chăng là? 
                                                  Đỗ Quang Liên 


Aug 23, 2013

Thanh ngọc huynh lai phỏng tống biệt chi tác

Tác giả Phạm Đình Hổ 范廷琥 

青玉兄來訪送別之作
握手與君別
悠悠心自傷
六年各湖海
雲樹空蒼蒼

Ác th d quân bi
Du du tâm t thương 
Lc niên các h h
Vân th không thương thương

Dịch nghĩa: 
Anh Thanh Ngọc lại thăm, làm thơ khi tiễn biệt 
Cầm tay anh từ biệt 
Lòng man mác tự thấy thương mình 
Sáu năm trời đều ở nơi hồ hải 
Tình bạn bè mãi xanh xanh

Dịch thơ: 
I
Cầm tay anh giã biệt 
Xót xa tự thương mình 
Sáu năm thân hồ hải 
Bạn bè mãi nặng tình 
                        Kim Anh

II 
Nắm tay tiễn Bác lên đường, 
Xót xa lòng lại tự thương riêng mình; 
Sáu năm hồ hải lênh đênh, 
Tươi xanh luống phụ tấm tình tri giao. 
                                                   Đỗ Quang Liên


 


Aug 20, 2013

110. Tụng giá hoàn kinh sư

Tác giả: Trần Quang Khải (1241-1294) 陳光啟
從駕還京師
奪槊彰陽渡
擒胡鹹子関
太平須努力
萬古此江山

Đoạt sóc Chương Dương độ 
Cầm Hồ Hàm Tử quan 
Thái bình tu nỗ lực 
Vạn cổ thử giang san

Dịch nghĩa: 
Phò giá về kinh 
Bến Chương Dương cướp giáo giặc, 
Cửa Hàm Tử bắt quân Hồ; 
Buổi thái bình nên dốc toàn trí lực, 
Thì non sông này muôn đời dài lâu.

Dịch thơ: 
Chương Dương cướp giáo giặc, 
Hàm Tử bắt quân thù; 
Thái bình nên gắng sức, 
Non nước ấy nghàn thu. 
                  Trần Trọng Kim 

II 
Bến Chương Dương đoạt giáo thù, 
Cửa hàm Tử bắt giặc Hồ hàng muôn; 
Thái bình cần gắng sức hơn, 
Dựng xây muôn thuở, núi sông huy hoàng. 
                                                     Đỗ Quang Liên 


Chú thích: 
- Trần Quang Khải tự Chiêu Minh, con trai thứ ba của vua Trần Thái Tông. Triều Trần Thánh Tông (1258-1278) ông làm Tướng quốc thái úy, tước Đại vương; Triều Trần Nhân Tông (1279-1293) thăng Thượng tướng thái sư. Trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông (1284-1285 và 1287-1288), ông là một trong những người đóng vai trò chủ chốt, tham gia trận phản công lớn ở Hàm Tử, Chương Dương, giải phóng thành Thăng Long. 
Ông còn là nhà ngoại giao có tài, nhà thơ tiêu biểu của văn học Thịnh Trần, có tập thơ Lạc Đạo, nhưng đã mất, chỉ còn lại 11 bài. 
- Chương Dương, nay thuộc Thường Tín, Hà Nội. 
- Hàm Tử, nay thuộc Khoái Châu, Hải Hưng;
- Thái bình tu nỗ lực, có sách ghi đương trí lực (當致力)