Như quý vị đã biết, vào lúc 10 giờ 45 phút ngày 01 tháng 10
(tức 14 giờ 45 phút giờ Việt Nam), năm 2009, tại Abu Dhabi, thuộc các tiểu vương quốc Ả rập
thống nhất, Ca Trù của Việt Nam đã
chính thức được Tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi
danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Gần đây, các nhà Kiều học Nguyễn Quảng Tuân, nhà thơ Hoài
Yên, Tiến sỹ Hán Nôm Nguyễn Xuân Diện đã viết, sáng tác, tập hợp, ấn hành nhiều
bài, nhiều sách về Ca trù.
Hoạt động trước đây của câu lạc bộ thơ Sông Tô và hiện nay của
Tổ Hán Nôm Lạc Đạo cũng có một mảng sáng tác và phiên dịch về những bài Hát nói
Ca trù.
Chúng tôi có sưu tầm được 14 bài Ca trù bằng chữ Hán và 4
bài chữ Nôm (phần lớn là Khuyết danh) và đã phiên âm, dịch ra nguyên thể. Nay,
chúng tôi xin lần lượt đăng tải lên blog này, mong các độc giả phủ chính cho.
Bên cạnh đó, rất hy vọng các độc giả tiếp tục sưu tầm để các bài Ca trù chữ
Hán, chữ Nôm của người xưa được công chúng thưởng thức.
Chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất các ý kiến:
- Các nhà văn, nhà thơ nên sáng tác thêm thể Hát nói Ca trù bên cạnh những bài thơ Thất ngôn bát cú, vốn rất đang phổ biến ở nhiều CLB thơ. Trong những buổi sinh hoạt thơ, những tập thơ nên có một mảng là những bài hát nói. Những ngày kỷ niêm 5, 10, 15 năm, … của các CLB thơ trong chương trình nên chăng có thêm phần hát Ca trù.
- Hội người cao tuổi nên vận động các gia đình, dòng họ, phường xã khi tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ 70, 75, 80, 85, v.v… nên có thêm một phần hát Ca trù.
Chúng tôi suy nghĩ làm như vậy sẽ tạo điều kiện cho sinh hoạt
Ca trù được duy trì và phát triển, góp phần giữ vững danh hiệu Di sản văn hóa phi
vật thể (cần được bảo vệ khẩn cấp) của
Việt Nam đã được thế giới công nhận.
Đỗ Quang Liên
Nguyên chủ nhiệm CLB thơ sông Tô
Tổ trưởng tổ Hán Nôm Lạc Đạo
Xin bổ sung:
Chúng tôi cũng xin mạnh dạn lần lượt đăng lên đây khoảng 100 bài
Hát nói đã sáng tác, đã họa theo thể
Hát nói bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ.
Chân thành mong quý vị độc giả chỉ giáo!
No comments:
Post a Comment