Apr 17, 2014

Tứ trung úy Đỗ Tử Trừng

Tác giả: Hồ Quý Ly 胡季犛

賜中尉杜子澄
烏臺久矣噤無聲
頓使朝庭風憲輕
借問子澄懦中尉
書生何事負平生

Ô đài cửu hỹ cấm vô thanh 
Đốn sử triều đình phong hiến khinh 
Tá vấn tử trừng nhụ trung úy 
Thư sinh hà sự phụ bình sinh

Dịch nghĩa: 
Ban cho Trung úy Đỗ Tử Trừng 
Đã lâu rồi, chốn Ô Đài vẫn im hơi lặng tiếng, 
Để cho phong thái, hiệu lệnh triều đình bị coi thường; 
Thử hỏi Tử Trừng, viên Trung úy nhu nhược kia, 
Là kẻ sĩ, sao lại phụ chí bình sinh vậy?

Dịch thơ:

Đài gián từ lâu tiếng vắng tanh, 
Triều đình phép tắc bỗng xem khinh; 
Tử Trừng, Trung uý sao mềm yếu? 
Kẻ sĩ không nên bỏ chí mình. 
                                  Đào phương Bình 

II 
Ô Đài lặng tiếng đã lâu, 
Triều đình phép tắc tựa hầu xem khinh; 
Trung úy sao quá giữ mình, 
Thư sinh phụ chí bình sinh cho đành. 
                                                   Đỗ Quang Liên 



Chú thích: 
- Hồ Quý Ly, tự Lý Nguyên, người hương Đại Lại (phía bắc sông Lèn, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Nguyên là họ Hồ, đến đời Hồ Liêm, làm con nuôi Tuyên úy Lê Hiến, nên đổi là họ Lê. Hồ Quý Ly là cháu bốn đời của Hồ Liêm, nên sử gọi là Lê Quý Ly. Quý Ly có hai cô ruột đều là cung nhân của vua Trần Minh Tông, một người là Minh Từ sinh ra Trần Duệ Tông, nên được vua Trần Nghệ Tông đặc biệt tin dùng. Năm 1387, được phong Đồng Bình chương sự, được ban gươm và lá cờ đề chữ: “Văn võ toàn tài, quân thần đồng đức”. 
Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi, đổi tên nước là Đại Ngu. Năm 1406, quân Minh xâm lược, Quý Ly bị bắt đưa sang Trung Quốc cùng hai con là Nguyên Trừng và Hán Thương. 
Quý Lý chủ trương dùng chữ Nôm dịch sách chữ hán. Năm 1392, soạn sách Minh Đạo, sưa sách Luận Ngữ, dịch Kinh Thư, làm sách thi nghĩa cũng bằng Quốc âm. Tác phẩm hiện còn có 5 bài thơ. 
- Năm 1391, các tướng lĩnh nhà Trần họp ở Hóa Châu, có 2 người là Phạm Mãnh và Chu Bỉnh Khuê, nói động đến Quý Ly, bị Đặng Tất và Hoàng Hối Khanh mật báo, Quý Ly giết hai người. Riêng Đỗ Tử Trừng trước sau vẫn im lặng. 
- Ô Đài: dinh quan Ngự sử.




No comments:

Post a Comment