May 16, 2013

Mấy vấn đề về gia tộc



Tổ chức việc họ và cách ghi chép gia phả

Con người, ai cũng có bố, mẹ (có thể không có vợ, chồng, con, cháu nhưng không thể không có bố mẹ).
Cao
tổ
Tằng
tổ
Tổ
Khảo, Tỷ
Bản thân
Tử
Tôn
Tằng tôn
Huyền tôn
Kỵ (Can)
Cụ
(Cố)
Ông bà
Bố mẹ
Vợ hoặc chồng
Con
Cháu
Chắt
Chút

Như vậy là Chín đời (cửu đại).
Mỗi người đều có họ của mình (tức họ Bố); họ Mẹ; họ của vợ hoặc chồng, thế là Ba họ (tam tộc).
Mỗi người đều thờ cúng, giỗ, Tết đến 5 đời trở lên tức là: bố mẹ, ông bà, cụ, kỵ.
Mỗi vị đều có thần chủ, khi cúng, khấn từng vị gồm: tên húy, tên tự, tên hiệu, tên thụy, giờ sinh, giờ mất, nơi mất, phần mộ (nguyên táng, cát táng, di táng), học vị, chức vụ, phẩm hàm.
Qua 5 đời trở lên thì không khấn riêng, mà khi cúng, khấn chung là tiên tổ và cất thần chủ đi, không bày trên ban thờ nữa. Như thế gọi là “Ngũ đại mai thần chủ” (qua 5 đời thì cất hoặc chôn thần chủ đi).

Từ một cặp vợ chồng (hoặc xưa các cụ có nhiều vợ) sinh con đẻ cháu, các con trai, con dâu, cháu trai, cháu dâu, … ở chung một nhà gọi là Đồng đường. Ngày trước, mỗi thế hệ cách nhau khoảng 25 năm, có thể có đến Ngũ đại đồng đường (5 đời trở xuống). Ngày nay, do thường lấy vợ muộn, đẻ con muộn, mỗi thế hệ kéo dài khoảng 30 năm, nên thường chỉ có Tam đại đồng đường, đó là Đại gia đình (gia đình lớn). Còn một cặp vợ chồng ở với nhau gọi là Gia đình hạt nhân.
Nếu ở riêng sân, riêng bếp thì có tự do cá nhân cao; Ở chung, ăn chung thì sự hỗ trợ nhau lớn; nếu ở sát gần thì sự hỗ trợ nhau thuận tiện, (đặc biệt phải biết Nhẫn , trăm chữ Nhẫn 百忍). Bây giờ nhiều gia đình con trai con dâu, con gái con rể cũng ở chung, ở gần nhau.

Từ một người thành một nhà (gia đình); rồi nhiều người, nhiều đời thành một họ (tộc, gia tộc) trở nên một cộng đồng, đòi hỏi phải có 4 việc lớn.
1. Mồ mả: (Trước đây đặc biệt quan trọng, vì tin vào phong thủy, nay quy tập vào một vùng hoặc hỏa táng, tro xương đựng vào lọ) phải giữ được mả tổ, tu tạo đường hoàng, mỗi năm chạp mộ một lần. Mỗi chi đều có phần mộ tổ chi.
2. Nhà thờ: là nơi thờ cúng tổ tiên, hội họp trong họ, đặt bia các cụ hậu và các vị có công lao với họ, có đóng góp với làng nước, làm rạng danh cho dòng họ. Nhà thờ phải được tu tạo đường hoàng. Nên có tủ sách để tư liệu dòng họ. Có thể có nhà thờ từng chi.
3. Tộc phả: là sách ghi chép các đời, các biến động trong dòng họ. Những họ lớn, có người làm tới chức vụ to hoặc là tác gia lớn còn có những sách ghi chép riêng về những việc làm và tác phẩm của họ. Nên có bản đồ thế hệ để dễ đọc, dễ nhận. Mỗi chi, mỗi họ nên làm nhiều bản để tránh thất lạc.
4. Tộc ước: là các quy ước của dòng họ nhằm điều chỉnh những hành vi ứng xử trong cộng đồng gia tộc, những điều khuyến khích, răn đe.

Ngày trước, thường một họ có nhà thờ họ và ruộng họ để canh tác lấy hoa lợi thờ cúng. Một đại gia đình cũng có gian thờ ở nơi ngành trưởng và ruộng hương hỏa để lấy hoa lợi cúng giỗ. Khi phân chia tài sản, thường con trai trưởng được nhiều hơn phần nhà, phần ruộng mục đích để dùng vào các việc ấy. Nếu các con cháu mai sau không may sa sút, thì việc cúng giỗ vẫn được duy trì, con cháu không phải gánh giỗ, góp giỗ. Nếu không có ruộng hương hỏa thì cũng phải tạo ra quỹ giỗ. Nếu không có thì mỗi lần giỗ trong gia đình hay trong họ cứ phải đóng góp, nhất định gặp khó khăn.

Tổ chức

Một đại gia đình, một chi họ hay một họ đều có ba chức sắc đương nhiên:
1. Trưởng họ, trưởng chi, trưởng… là người đứng đầu ngành trưởng.
2. Thủ họ, thủ chi, thủ… là người cao vai nhất trong họ, trong chi.
3. Nhất họ, nhất chi, nhất… là người cao tuổi nhất trong họ, trong chi.

Ngày trước, các Cụ ông lấy nhiều Cụ bà nên chênh lệch tuổi giữa các con trưởng và con út rất xa và có khi con bà sau phải gọi con bà trước là anh, chị dẫn đến chênh lệch nhiều giữa vai và tuổi. Người cao tuổi phải tôn trọng người cao vai và người cao vai phải tôn trọng người cao tuổi.
Lẽ tự nhiên là ba vị trên lãnh nhiệm vụ điều hành việc trong họ (đặc biệt là người trưởng), nhưng có thể do ít tuổi, do sức yếu, do quá bận vì mẹ già con dại, hoặc quá bức bách vì kinh tế túng thiếu, hoặc ở xa,… Nên trong họ, trong chi cần chọn những người có tiêu chuẩn: có tâm, có sức, có thời gian, có điều kiện kinh tế, có năng lực làm việc, sinh hoạt thường xuyên trong họ, trong nhà… Bầu ra Ban trị sự gồm có: thư ký, kế toán, thủ quỹ (đặc bệt là người thư ký kiêm thống kê) để cùng ba vị chức sắc đương nhiên điều hành mọi việc trong họ, trong chi. Ban trị sự mỗi nhánh nên có người tham gia và 2 hoặc 3 năm một lần bầu lại nhằm vào ngày giỗ.
Những người này gọi là Hội đồng gia tộc.

Hội đồng gia tộc bầu ra Chủ tịch và Phó chủ tịch. Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch nên là Thư ký hoặc Trưởng họ, Thủ họ hay Nhất họ. Nhiệm vụ:
1. Điều hành giỗ, cúng, lễ, tết;
2. Thăm mừng các việc vui, buồn trong họ;
3. Chạp mộ, giữ gìn, tu tạo phần mộ;
4. Hướng dẫn, đôn đốc việc làm giấy ghi sổ họ theo họ, chi họ và gia đình;
5. Ghi chép vào sổ họ và các chi họ các việc: sinh đẻ, cưới, mất, lên lão, tậu đất làm nhà, mở hiệu, tai nạn, ốm đau, thi đỗ, công tác, khen thưởng,…;
6. Theo dõi việc triển khai và thực hiện quy ước trong họ;
7. Lập kế hoạch thu, chi, đôn đốc thu và kiểm soát chi, cuối năm báo cáo công khai, hoặc hoàn thành việc báo cáo công khai;
8. Đặc biệt quan tâm việc thu tiền, mua đất dựng nhà thờ;
9. Theo dõi các diễn biến trong họ, ghi chép để cuối năm chuẩn bị báo cáo tổng kết và đề ra dự án hoạt động của họ năm sau, trình bày trong cuộc họp họ đầu năm;
10. Quan hệ với trong họ (nếu là chi họ), với các họ khác trong làng, xóm;
11. Tham gia với Ban liên lạc họ của huyện, tỉnh và các nơi khác;
12. Giải quyết các bất đồng trong họ.


(còn tiếp)

No comments:

Post a Comment