May 10, 2013

Hưu hướng Như Lai

Tác giả: Nguyễn Quảng Nghiêm (1121-1190) 阮廣嚴

休向如來
離寂方言寂滅去
生無生後說無生
男兒自有衝天志
休向如來行處行

Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ 
Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh 
Nam nhi tự hữu xung thiên chí 
Hưu hướng như lai hành xứ hành

Dịch nghĩa: 
Đừng theo bước Như Lai 
Thoát ly được lòng ham muốn đi vào Niết Bàn, mới có thể bàn chuyện đi vào Niết Bàn, 
Sau khi sinh vào cõi vô sinh rồi mới có thể nói vô sinh; 
Nam nhi tự mình có cái chí tung trời, 
Đừng đi theo bước đi của Như Lai.

Dịch thơ: 
I
Thoát tịch diệt xong, bàn tịch diệt, 
Sau vô sinh hãy nói vô sinh; 
Làm trai lập chí xông trời thẳm, 
Theo gót Như Lai huống nhọc mình. 
               Nguyễn Đức Vân – Đào Phương Bình

Rời tịch diệt mới hay tịch diệt, 
Sau vô sinh mới biết vô sinh; 
Chí trai xông thẳng trời xanh, 
Phật làm – không nhất thiết mình đi theo. 
                                                          Đỗ Quang Liên


Chú thích: 
Quảng Nghiêm người đất Đan Phượng, thế hệ thứ 11 dòng thiền Quan Bích. Mới đầu, ông học người cậu là Bảo Nhật, sau học sư Trí Thiền ở chùa Phúc Thánh. Khi đắc đạo, ông trụ trì ở chùa Thánh Ân, hương Siêu Loại. Về sau Thượng thư Bộ binh Phùng Giáng Tường mời ông đến tu ở chùa Tịnh Quả. 

Tịch diệt: thuật ngữ đạo Phật, nghĩa của hai chữ Niết Bàn. 
Vô sinh: thuật ngữ đạo Phật, chỉ tính chất không sinh, không diệt của Niết Bàn. 

Như Lai là một trong 10 danh hiệu của Phật, được giải thích theo 3 nghĩa: 
1/ Pháp thân Như Lai: Ở khắp nơi không có sự khác biệt là “Như”, không động mà đi tới là “Lai”. 
2/ Báo thân Như Lai: theo lý, gọi là “Như”, theo trí gọi là “Lai”. 
3/ Ứng thân Như Lai: đi theo con đương của chân như để thành chính giác thì gọi là “Như Lai”.





No comments:

Post a Comment