Jul 22, 2013

Lưu biệt thi

Tác giả: Nguyên sứ Hoàng Thường 元使黄裳
留別詩 
江岸梅花正白
船頭細雨斜飛
行客三冬北去
將君一棹南歸

Giang ngạn mai hoa chính bạch 
Thuyền đầu tế vũ tà phi 
Hành khách tam đông Bắc khứ 
Tướng quân nhất trạo Nam quy

Dịch nghĩa:
Thơ lưu biệt 
Trên bờ sông hoa mai đang nở trắng,
Trước đầu thuyền mưa nhỏ chênh chếch bay;
Giữa ba đông khách đi về Bắc,
Một mái chèo Tướng quân trở lại Nam.

Dịch thơ: Đỗ Quang Liên
I
Trên bến, hoa mai đua trắng, 
Đầu thuyền, mưa bụi tạt ngang; 
Hành khách ba người về Bắc, 
Tướng quân một mái quay Nam. 

II 
Bên bờ trắng xóa hoa mai, 
Xiên xiên mưa bụi bay bay đầu thuyền; 
Khách về đất Bắc ngoái nhìn, 
Tướng quân với một con thuyền về Nam.

Nghi vấn:
Sách Nam Ông mộng lục 南翁夢錄 của Hồ Nguyên Trừng do Ưu Đàm, La Sơn soạn dịch, chú giải. Nguyễn Đăng Na giới thiệu, nhà xuất bản Hà Nội 1999 ghi: Mạc Ký đã làm bài thơ Lưu biệt trên. Quyển Thơ văn Lý Trần tập II, chủ biên Nguyễn Huệ Chi, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn học, nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội năm 1988 ghi ở trang 719 cũng như vậy (chỉ khác chữ (Đông) thành (Danh) và chú thích: Đầu đề 送使吟 (Tống sứ ngâm) do người soạn thêm, và rút từ sách Nam Ông mộng lục.

Hai quyển sách trên dịch đều nhầm vì bản chữ Hán không có dấu chấm, phẩy, từ đoạn 裳其歡之。至界,上留別詩云 người phiên dịch đã thêm dấu Chấm sau chữ 歡之 và viết hoa chữ và dịch là: “Khi tới biên giới, Mạc Ký đã làm bài thơ Lưu biệt như sau” (Người được tặng thơ hóa thành người làm thơ tặng)

Có một điều rất lạ là Thơ văn Lý Trần tập III, NXB Khoa học xã hội 1978 (trước tập II 10 năm), ở trang 738, tác giả Tuấn Nghi dịch bài "Quý khách tương hoan" vẫn chấm câu như thế, và dịch thì ghi: “”Đến biên giới, có thơ lưu biệt rằng”

Tôi, Đỗ Quang Liên, người đã dịch trên 1000 bài thơ Tứ tuyệt ra lục bát, xin chữa lại là:
“Thường rất vui thích, đến biên giới, Thường làm thơ lưu biệt rằng”

Tôi đặt đầu đề là Lưu biệt thi và tác giả là Nguyên sứ Hoàng Thường.




No comments:

Post a Comment