Tư liệu Hán Nôm Việt Nam người xưa để lại mang nhiều đặc điểm
1. Văn bản thơ văn phần lớn là viết tay, sao chép lại nhiều lần, mỗi lần sao chép có thể làm sai lệch một số câu chữ.
2. Văn bản qua chiến tranh, thiên tai địch họa, cất giấu, bảo quản không tốt, nên có thể bị lửa xém, nước nhòe, chuột gặm, gián nhấm, mối xông, ... hoặc qua tay nhiều người sử dụng, lâu ngày giấy bị sờn tướp, sách bị đứt chỉ, tung gáy, ... xáo trộn một số trang và mất đi nhiều dòng, cột.
3. Chữ Hán Nôm không có lối viết hoa, khó phân biệt đâu là danh từ riêng. Không có dấu chấm dấu phẩy, nên việc xác định câu văn rất khó. Đặc biệt, văn thường viết theo thể biền ngẫu, thơ thường làm theo luật Đường, nên người dịch nếu không nắm được nguyên tắc làm thơ, câu đối, từ, phú thì thật lúng túng trong việc chấm câu.
4. Chữ Hán Nôm có nhiều kiểu viết: Đại Triện, Tiểu Triện, Lệ, Khải, Thảo, ... người dịch nếu không hiểu được các kiểu chữ, đặc biệt là các thể chữ Hành, Thảo, vốn được sử dụng nhiều, thì không đọc nổi, không có thể tra từ điển để tìm ý nghĩa các chữ ít thông dụng.
5. Chữ Nôm thì đang trong quá trình phát triển, chưa có quy phạm nhất định, mỗi thời, mỗi vùng, mỗi người viết một kiểu; Cá biệt, có một số chữ do một người viết mà đầu quyển thế này, cuối quyển thế khác. Đối với văn xuôi và danh từ riêng thì càng khó đọc.
6. Thơ văn Hán Nôm thường sử dụng nhiều điển cố và cụm từ rút gọn từ những câu văn cổ, nếu người dịch không đọc nhiều, nghe rộng và không có sách, công cụ để tra cứu thì rất khó hiểu được ý nghĩa của cụm từ, đặc biệt là các đại tự.
Với những lẽ trên, chúng tôi thấy nên làm
1. Đối với văn bản Hán Nôm nên cố gắng sao chụp lại, không nên chép tay hoặc đánh máy trên vi tính để tránh thêm một lần "tam sao thất bản". Đặc biệt, những tư liệu mờ, nhòe, những câu chữ còn nghi vấn, để người sau có thể phát hiện được (có những sách in những câu chữ người phiên dịch đoán gượng không đúng).
2. Nên làm song ngữ Hán, Nôm - Việt đối chiếu, trang tay trái là nguyên tác photocopy, trang tay phải là phiên âm, dịch nghĩa để người dọc dễ theo dõi và người sau có thể sửa chữa những sai sót của người phiên dịch trước. Không nên chỉ có phần phiên âm, vì chữ Hán có chữ có đến 25 đồng âm (như chữ Tiêu) và có chữ có đến 4 cách đọc (như chữ Hành
行 ) (có sách in thơ tứ tuyệt mà cứ phải lật sang trang).
3. Người phiên dịch chữ Hán Nôm nên tìm học, nghiên cứu cả 4 phần:
a. Chữ Hán phồn thể, giản thể, văn ngôn, bạch thoại, ...
b. Chữ Nôm
c. Các luật thơ, câu đối, từ, phú (tôi tạm gọi là Thi pháp)
d. Các kiểu chữ Triện, Lệ, Thảo, ... (tôi tạm gọị là Thư pháp). Để có thể đọc được nhiều loại văn bản (có người hiệu đính đã sửa sai luật thơ; có sách đã in, dịch sai nhiều câu văn biền ngẫu).
4. Những người làm phiên dịch nên tự nguyện thành lập nhóm, tổ, câu lạc bộ hay hội Hán Nôm để giúp nhau học hỏi, nhớ lại, tra cứu, trao đổi, bàn bạc với tinh thần khiêm tốn, cầu tiến để hiểu được văn bản, tiếp cận chân lý.
Không ai nói mạnh được, nhất là hiện nay người phiên dịch như chúng tôi nghe, học còn quá ít, lại thiếu thầy, thiếu sách nên cần phải họp bạn để mong "Tam ngu thành hiền". Trong chúng tôi đã không dưới vài lần không đọc được hết chữ của một câu đối, một cuốn thư, một lọ độc bình, một cái quạt tàu, ...
Tôi nghĩ, Dịch là thưởng thức tác phẩm sâu hơn, kỹ hơn, nhất là để dịch ra tiếng nước ngoài như Hán ra Anh, Pháp.
Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2006
Đỗ Quang Liên
CLB thơ Hán - Việt - Pháp
CLB Thơ Dịch